Trò lừa bịp Trò lừa bịp Chiết Mao

Bản đồ giả mạo được vẽ bởi Chiết Mao trong một bài viết về Cuộc nổi dậy Tatar hư cấu

Trong khoảng thời gian năm 2012 đến năm 2022,[1] một người dùng có tên Chiết Mao đã tạo ra hơn 200 bài được liên kết với nhau trên Wikipedia tiếng Trung viết về những sự kiện không có thật của lịch sử Nga thời trung cổ.[2] Kết hợp giữa yếu tố nghiên cứu với giả tưởng,[1] các bài viết của cô rất toàn diện và đầy đủ nguồn, mặc dù một số tài liệu tham khảo trong đó là giả mạo. Ví dụ, cô đã trích dẫn cuốn History of Russia from the Earliest Times gồm 29 tập của nhà sử học người Nga Sergey Solovyov; mặc dù bộ sách có tồn tại, nhưng bản dịch tiếng Trung mà cô dẫn ra thì không.[2] Chủ đề các bài viết của cô xoay quanh một "mỏ bạc Kashin" và mối quan hệ chính trị giữa "những hoàng tử của Tver" và "các công tước của Moskva".[3] Bài viết hư cấu lớn nhất mà Chiết Mao từng tạo có độ dài gần bằng một cuốn tiểu thuyết, trong đó trình bày tổng quan về ba cuộc nổi dậy hư cấu của người Tatar thế kỷ 17 và tác động của chúng lên nước Nga, có đầy đủ cả các bản đồ tùy chỉnh do người dùng vẽ. Trong một bài viết khác, cô cũng chia sẻ hình ảnh về những đồng xu quý hiếm mà cô tuyên bố lấy được từ một nhóm khảo cổ ở Nga. Bài viết của cô về việc trục xuất người Trung Quốc ở Liên Xô đã được coi là "bài viết chọn lọc" trên Wikipedia tiếng Trung và được dịch sang bản tiếng Anh, tiếng Ả Rập và tiếng Nga.[2] Các bài của cô cũng chứa những miêu tả tỉ mỉ về tiền tệ và dụng cụ ăn uống.[3]

Những câu chuyện lịch sử thay thế của Chiết Mao bắt đầu vào năm 2010, với các sửa đổi bổ sung thông tin hư cấu về quan chức triều đại nhà Thanh Hòa Thân. Hai năm sau, cô đã chuyển sang chủ đề lịch sử Nga với bài tiểu sử của Aleksandr I, trước khi mở rộng sang lịch sử Nga nói chung, chủ yếu xoay quanh các quốc gia Slav thời trung cổ. Chiết Mao sau đó thú nhận rằng cô đã tự chế ra nhiều bài viết với mục đích lấp đầy lỗ hổng cho những thông tin giả mạo ban đầu của cô.[1]

Chiết Mao đã giành được niềm tin của cộng đồng dự án bằng cách đóng giả như một nhà nghiên cứu. Cô tự mô tả mình là Tiến sĩ lịch sử thế giới đến từ Đại học Quốc gia Moskva, là con cháu của một nhà ngoại giao Trung Quốc ở Nga và kết hôn với chồng người Nga. Trang thành viên của cô còn đính kèm một bản kiến nghị của người chồng hư cấu của cô liên quan đến cuộc tấn công Ukraine năm 2022. Biên tập viên kỳ cựu của Wikipedia tiếng Trung, John Yip, đã công nhận Chiết Mao bằng việc tặng một ngôi sao vào đầu năm 2022 để tôn vinh các đóng góp của cô. Tuy vậy, cô lại sử dụng ít nhất bốn tài khoản rối để giúp tạo đồng thuận ảo, thể hiện sự ủng hộ đối với các sửa đổi của cô. Thậm chí, cô còn từng một lần nhắn tin thảo luận trực tiếp với một trong những tài khoản cô quản lý. Một tài khoản khác của cô đã giới thiệu bản thân như là nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học Bắc Kinh với chuyên môn về lịch sử Nga và tuyên bố từng gặp Chiết Mao ngoài đời. Một tài khoản khác cũng có lịch sử đóng góp từ năm 2010 nhưng chỉ mới thuộc về quyền kiểm soát của Chiết Mao từ năm 2019.[2] Các tài khoản rối này đều có những sửa đổi thông tin sai lệch về lịch sử triều đại nhà Thanh và nước Nga dưới thời Vladimir Putin.[1]